Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Giới thiệu tập thơ Bến Tình - Phạm Văn Tất


Cuối cùng thì gia đình nhà thơ Phạm Văn Tất cũng thu xếp để cho ra mắt bạn bè, độc giả tập thơ riêng của ông sau nhiều lần gác đi gác lại. Cô con gái út của ông – một họa sĩ thiết kế đã cùng chồng chọn tác phẩm, khởi sự xúc tiến in ấn và giới thiệu tập thơ đến độc giả làm quà tặng bố. Nếu không có sự quyết tâm của con gái hẳn những tác phẩm thơ của nhà thơ sẽ mãi mãi chỉ nằm trong những quyển sổ tay của ông. Tuy ngoài đời Phạm Văn Tất là một người sôi nổi, yêu đời và rộn ràng nhưng với thơ ông thực sự là một dòng suối nguồn dồi dào mà lặng lẽ.


“Bến tình” – tên tập thơ - tập hợp những sáng tác của Phạm Văn Tất từ thời trẻ cho đến hiện tại. Bao nhiêu bài thơ là bấy nhiêu cung bậc cảm xúc của một người đàn ông đã khởi nguồn từ những ngày tuổi trẻ yêu đương sôi nổi, đi qua những khao khát, được – mất, thành công – thất bại, hạnh phúc – khổ đau và giờ đây đang chạm tay vào những ngày bình yên của mùa thu cuộc đời.

Tập thơ Bến tình của nhà thơ Đặng Văn Tất
Tập thơ Bến tình của nhà thơ Phạm Văn Tất

Tiểu thuyết gia người Mỹ William Faulkner nói rằng: “Tôi tin rằng con người không chỉ đơn thuần chịu đựng. Anh ta sẽ chiến thắng. Anh ta bất tử, không phải bởi anh ta là sinh vật duy nhất có giọng nói không mệt mỏi, mà vì anh ta có linh hồn, một linh hồn có lòng trắc ẩn, biết hy sinh và có sức bền.”Đúng vậy, khi đọc tập thơ này ắt các bạn cũng như tôi sẽ đều nhận thấy thơ Phạm Văn Tất chứa đựng trong đó lòng trắc ẩn thẳm sâu.
Người tình say đắm
Nhẩn nha, tôi thực hiện một cuộc thống kê nho nhỏ và thấy rằng thơ tình chiếm phần lớn trong sáng tác của ông (34/52 tác phẩm, đạt 65% thời lượng của tập thơ). Điều thú vị là tất cả các bài thơ tình ấy dường như chỉ dành riêng cho một người: người yêu – người vợ của ông.
Qua thơ, người đọc nhận ra, Phạm Văn Tất là một tình nhân say đắm và chung thủy. Với ông, cảm xúc đạt được của hai kẻ yêu nhau chưa phải là tất cả. Một tình yêu đúng nghĩa phải là mối tình bắt đầu từ những rung động trong sáng, được thử thách bởi chiều dài của thời gian chờ đợi và không gian của sự xa cách, đã nung nấu và giữ lửa bằng những hành động giản đơn, lời nói thành thật mà chan chứa tình thương.
Tôi thấy ông trải qua những ngày tháng yêu đương trong trẻo của tuổi trẻ từ mối tình học trò đợi nhau cùng đi học:
Ngày ấy học bên nhau
Chung mái trường ngói đỏ
Soi bóng dòng sông Châu
Em đứng bên kia cầu
Anh đứng đầu xóm trại
Chung nhau một cánh bãi
Soi bóng dòng sông Châu
(Bến tình)
Từng một thời, cái “dậu mồng tơi” của nhà thơ Nguyễn Bính ám ảnh tôi bởi nỗi buồn xa vắng của mối tình đơn phương không có hậu thì nay tình yêu dành cho “cô hàng xóm” của nhà thơ Phạm Văn Tất lại cứ tím rực lên và còn mang vị chua chua ngòn ngọt dự báo trước một mối tình chung thủy nhưng nhiều đợi chờ, thao thức:
Nhà em ở cạnh nhà anh
Cách nhau một dải dâu xanh mượt mà
Ngày xuân dâu nở nhiều hoa
Hương thơm man mác hai nhà đón xuân
Bao giờ dâu chín tím vân
Hái dâu gửi tặng người gần nhà anh
(Dâu chín tím vân)
Phạm Văn Tất sử dụng khá nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, và tôi thiết nghĩ nếu không sử dụng lục bát thì khó có thể chuyển tải được hết sự lãng mạn, nhẹ nhàng tình yêu của ông với người thôn nữ hàng xóm. Để rồi “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy (Thế Lữ)” chuyển dần thành mối tình đi cùng nhau qua năm dài tháng rộng. Cũng xa cách, cũng nhớ nhung chờ đợi, và rất nhiều thao thức thường tình của người yêu nhau mà phải sống xa nhau song dường như Phạm Văn Tất không da diết cái buồn cháy ruột cháy gan. Tôi yêu cách ông chăm sóc tình yêu của mình và tôi tin rẳng tất cả phụ nữ cũng sẽ cần ở người đàn ông mình yêu những điều giản dị thế này chăng:
Anh đón em về ăn cùng bát cháo
Như lòng anh hạt gạo trắng thơm
Ngọt ngào hai đứa yêu thương
Buổi đầu hò hẹn vấn vương tơ lòng
Con sông con, một dòng trăm bến
Anh yêu em, anh đến đón em
Đón em chẳng đám, chẳng đèn
Đón em hai đứa dưới rèm mưa thu.
(Anh đón em)
Bát cháo của Phạm Văn Tất đón người tình về cùng ăn trong một ngày mưa thu lạnh lẽo gợi người đọc nhớ tới bát cháo hành của Thị Nở đã nấu cho Chí Phèo trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao từng khuynh đảo văn đàn một thời. Tuy đối tượng và hoàn cảnh là hoàn toàn khác nhau nhưng giá trị lay động lòng người lại gần như nhau. Một bên, bát cháo hành của người phụ nữ (không bình thường) đã thức tỉnh lương tâm của một kẻ côn đồ cùng đinh xã hội, khơi gợi trong hắn mong ước được trở lại sống cuộc sống của “một con người”. Còn hình ảnh người đàn ông nhẫn nại đón người phụ nữ của mình về, ăn cùng người ấy một bát cháo nóng trong thơ Phạm Văn Tất như lời khẳng định chắc chắn với người yêu rằng nhà thơ sẵn sàng gánh lấy hết về phần mình sự vất vả, chia sẻ cùng cô ấy những mỏi mệt, lo toan chẳng phải đã níu giữ được tình yêu trọn đời đấy thôi. Nói thật lòng, người đời ai chẳng thích tình yêu lãng mạn và bay bổng với “rượu vang, bít-tết và hoa hồng”. Có thể với ai đó quả dâu chín tím vân và bát cháo nóng dành cho người yêu của nhà thơ Phạm Văn Tất có vẻ bình thường nhưng với riêng tôi, tôi nhìn thấy trong sự giản đơn của hành động lại chứa đựng một tình yêu sâu sắc, bao la và đầy che chở. Phụ nữ rất cần sự che chở bởi họ được cảm thấy mình bình an. Cảm giác đó quan trọng biết bao!
Bởi vì trong khi cuộc đời còn nhiều lắm đàn ông đã yêu theo cái cách:
Sông kia vốn có đôi bờ
Bên mía thì lở, bên ngô thì bồi
Bên nào anh cũng sang chơi
Bên lở mía ngọt, bên bồi ngô non…
(Nhớ Hồ Xuân Hương – Đàm Thị Lam Luyến)
Thì nhà thơ Phạm Văn Tất lại nhất định rằng:
Em ơi nhớ lấy mấy câu
Yêu nhau xin giữ trước sau vẹn tròn
Sông sâu nước chảy đá mòn
Tình ta chói sáng lòng son đợi chờ
Dù cho xa cách đôi bờ
Dù cho sông cạn vẫn chờ hợp duyên
Duyên này đã khắc trong tim
Nguyện cùng trọn kiếp không tìm duyên ai.
(Không tìm duyên ai)
Đã say sưa ước mong trong sum họp phượng loan:
Em ơi, mùa thu bao chờ mong
Bao khát vọng tình yêu đôi lứa
Chim trên cành xây giường loan làm tổ
Vui có bầy lại sống có đôi
Đêm đấu mỏ mớm nhau mật ngọt
Ngày tung bay, giang cánh trên hồ
Bầu trời của anh, em đẹp như mơ
Mùa thu đến, mùa vui hạnh phúc
Em lên xe hoa cùng anh xây tổ ấm
Trao tình yêu khát vọng mùa thu.
(Mùa thu)
Khi vui tươi hạnh phúc lứa đôi:
Từ hôm em về nhà anh
Tên em cũng đổi để thành tên chung
Đi đâu cũng muốn đi cùng
Lo công lo việc cùng chung tay làm
Nhà em cách mấy ngõ làng
Em không về ở, cứ sang bên này
Nhà em là của mẹ thầy
Em sang bên này làm vợ của anh
Từ ngày em về nhà anh
Tên em đã gắn tên anh lúc nào?
(Em về nhà anh)
Lúc sục sôi men say tình ái:
Dầu kia hết, đèn nào còn cháy
Bấc kia khô, trông cậy chi đèn
Bấc khô thấm với dầu em
Kết miền tình ái, ánh đèn đêm xuân.
(Ngấm dầu lại cháy)
Và sắt son giữ vẹn ân tình trong những lúc xa nhau:
Anh viết cho em những vần thơ nóng bỏng
Xây mộng đời, cuộc sống lứa đôi
Từng phút trôi đi em sắp lên đường
Bao ấp ủ niềm thương nỗi nhớ
Em thân yêu, người vợ trẻ của anh
Anh chỉ có yêu em, người vợ hiền lành
Chưa chăn gối, nhưng sẽ thành phu phụ
Chưa rượu nồng nhưng đã ủ men say
Anh, em hứa trọn đời kết nguyện
Mãi trăm năm quyến luyến mối duyên yêu
Vì yêu chung thủy, sắt son nên lòng nhà thơ rất nhiều kỳ vọng:
Nếu em là bờ cát trắng
Thì anh là ngọn sóng kình
Bao tháng năm tung hoành trên biển lớn
Cuộc đời trong phong ba dữ dội
Luôn mơ về nơi chốn bình yên
Con sóng nào chẳng khát vọng cuồng điên
Đắm đuối yêu đương mong đợi
Đâu chỉ riêng anh một phương đi tới
Bờ cũng chờ mong biển khơi vời vợi
Ngàn trùng xa con sóng vỗ về
Để sớm mai ánh bình minh thức dậy
Bờ lại êm đềm bên sóng trong xanh
(Khát vọng)
Người đọc đã thấy qua các tác phẩm của Phạm Văn Tất hình ảnh nhà thơ trong tình yêu chân thành, nhẫn nại, hy sinh và cũng tràn đầy niềm tin.
Những đồng cảm với cuộc đời
Không chỉ là người tình chung thủy đắm say, nhà thơ Phạm Văn Tất còn dành cho cuộc sống những hân hoan và bao dung.
Bằng con mắt sâu sắc của một người chịu nhiều va đập với cuộc sống, Phạm Văn Tất có cái nhìn rộng lượng, sẵn sàng tha thứ cho những bạc bẽo của người đời.
Như khi lỡ làng mối duyên đầu, ông đã an ủi người con gái phụ bạc mình bằng những lời lẽ đầy cảm thông, chia sẻ:
Đừng khóc nữa, xin em đừng khóc nữa
Hoa trinh bạch vẫn còn gương phong nhụy
Xin ông tơ, bà nguyệt nối xuân tình.
Chuyện của chúng mình vì sao dang dở
Cũng không phải tại anh chối bỏ
Vì anh hiểu, nên em còn nhớ
Em biết rồi, anh trách em đâu.
Mong em bắc tiếp nhịp cầu
Đường xa ngắn lại, buồn rầu nhạt đi.
(Mong em bắc tiếp nhịp cầu)
Và ông bày tỏ mong muốn người con gái ấy sẽ lại được hạnh phúc:
Ái ân cũng tại lòng ta
Nhịp cầu bắc lại, đường xa lại gần
Những mong con tạo xoay vần
Cầu cho nàng nhỡ một lần này thôi
(Trang tình đầu)
Cho đến khi cả người tình đầu lẫn nhà thơ đều tìm được hạnh phúc riêng, ông hoan hỉ mừng vui rạng rỡ lạ lùng:
Bây giờ nàng đã có chồng
Ta thì có vợ, mặn nồng giống nhau
Chuyện tình như thể trầu cau
Vừa xanh vừa trắng gặp nhau đỏ hồng
(Trang tình đầu)
Ông cũng dành cho cả người kỹ nữ mà ông vô tình gặp trên bước đời một cái nhìn thương xót:
Em bán đời son phấn
Em cho nhiều nhận ít
Vấn vương trong vũ trường
Vui đêm rồi ngày hết
Đến khi nào em biết
Phấn son rồi nhạt đi
Em như đóa hoa quỳnh
Chưa nở đã tàn nhanh
(Đời kỹ nữ)
Thế nên, dù cho cuộc sống có gian nan đến đâu, ông cũng chỉ than nhẹ một câu:
Giấc mơ huyền ảo cao xây
Sống không ngậm ớt mà cay cực đời
(Bẽ bàng)
Và như một chàng trai hai mươi, ông say sưa ca ngợi những vẻ đẹp cuộc sống. Tôi có cảm giác ông nhìn đâu cũng thấy hay, thấy đẹp. Ông rộn ràng bày tỏ tình yêu quê - miền đất núi Đọi sông Châu địa linh nhân kiệt, gắn liền với lễ Tịch điền nổi tiếng:
Trên đường về quê hương
Qua bến phà Chanh Dương
Xanh xanh hàng dương liễu
Bốn mùa thơm ngát hương
Dòng sông mù hơi sương
Con thuyền trào sóng tố
Vượt ánh nắng vô bờ
Vọng nghe tiếng người thương
(Đường về)
Quê hương trong ông còn là tình yêu dành cho người mẹ đã khuất núi mà mỗi khi nhớ đến trái tim ông rưng rưng thương nhớ:
Sáu năm đã trôi qua
Con thường mơ thấy mẹ
Khi vắng xa trần thế
Mẹ luôn sống bên con
Công sinh thành của mẹ
Đức cao dầy của cha
Chúng con ghi tạc dạ
Không bao giờ dám quên
(Mẹ)
Và có lúc, tình yêu quê hương được ông đồng hóa với tình yêu người vợ dịu hiền:
Chợ Đình tuần họp ba phiên
Ba mươi cuối tháng, sau liền mùng ba
Mùng năm đông đúc gần xa
Các hàng rau cá cùng là sắn khoai
Cánh đồng Công Trí, Cân Trung
Em đi cấy lúa ngoài vùng Rồng Khê
Một năm hai vụ chiêm mùa
Tay em tát nước be bờ sớm hôm
Lúa đồng tươi tốt, xanh rờn
Tháng năm trĩu hạt, tháng mười nặng bông
Nếu được nên vợ nên chồng
Thì anh cũng thỏa tấm lòng yêu em.
(Nếu được)
Tôi thực sự mến mộ ánh mắt nhìn đời lạc quan chan chứa của ông. Ông nhìn thấy ánh sáng trăng thu ngọt ngào trên đôi má hồng thôn nữ. Ông đã yêu cuộc sống nhiều đến độ không thể đoán định được là trăng ghen hay chính ông ghen với sự tươi trẻ của những thôn nữ xuân thì:
Bên bờ mương biếc xanh trong
Hương bay ngan ngát cánh đồng lúa non
Một đoàn em gái trong thôn
Đùa vui trên thảm cỏ non đầu làng
Lần lần mấy độ thu sang
Trăng rằm tháng tám trải dài mênh mông
Một đoàn em gái má hồng
Chơi trăng trăng cũng đem lòng đánh ghen
(Má hồng)
Thậm chí có lúc tôi cũng thấy mình như choáng ngợp cùng nhà thơ trước hình ảnh cô gái đi kiếm củi sớm thấp thoáng trong màn sương huyền ảo của buổi bình minh vùng cao.
Núi đội sương đi đón mặt trời
Sương trắng như bông nở khắp nơi
Em đi kiếm củi trên sườn núi
Sương đọng vai em ánh nụ cười
(Ánh nụ cười)
Tôi thích ngôn ngữ thơ Phạm Văn Tất. Chúng giản dị nhưng trong sáng như cách tác giả yêu thương và chia sẻ với cuộc đời. Ông có khả năng phát hiện ra những hình ảnh thơ đặc biệt và biến nó thành thi tứ riêng của mình, không diêm dúa mà lại vô cùng ấn tượng. Có thể không rung động chăng khi ta bắt gặp những câu thơ như “Trái tim anh ở trong ngực em rồi”, “Chơi trăng, trăng cũng đem lòng đánh ghen”, “Sương đọng vai em ánh nụ cười” ….
Tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ thứ hai và lấy được một vài con số gồm: bốn bài viết từ năm 1969, 11 bài viết năm 1968, 5 bài viết vào năm 1965, 1 bài viết từ 1997, 16 bài viết năm 2012 và có 16 bài không ghi thời gian sáng tác. Tương ứng với các mốc thời gian đó là những cảm xúc thơ phù hợp với mối quan tâm cuộc sống của nhà thơ Phạm Văn Tất. Vào những năm 1965, 1968, 1969 là thời điểm nhà thơ đương hồi tuổi trẻ nên thơ là tiếng lòng của người đang yêu và được yêu nên khi đắm say tràn đầy hạnh phúc, lúc lại cẩn trọng suy tư nhưng tất cả đều hòa chung trong nhịp điệu dạt dào tìm cầu lứa đôi. Những bài thơ sáng tác vào các năm sau lại ẩn chứa nụ cười của người đã “tri thiên mệnh” không còn nữa những bon chen, mong cầu. Thấp thoáng đâu đó là sự hồi tưởng lại kỷ niệm xưa, lúc tâm trí như bị giằng co trong những nỗi đau do cuộc đời tạo ra, lúc lại chìm vào trong miền vui đã cũ.
Có thể nói, “Bến tình” là một tập thơ đáng để đọc bởi hiếm có tập thơ nào mà niềm vui lại “phủ sóng” dạt dào đến vậy. Người ta làm thơ để giãi bày nỗi buồn, Phạm Văn Tất lại làm thơ về hạnh phúc và niềm vui. Điều đó sẽ khiến người đọc thêm “yêu quá cuộc đời này (Trịnh Công Sơn)”.
Vậy nên Thi đàn Việt Nam trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tập thơ “Bến tình” và nhà thơ Phạm Văn Tất!
Nhà thơ Phạm Hoàng Nam
Trưởng ban biên tập Thi đàn Việt Nam


Xem tin gốc tại website Thi đàn Việt Nam (ấn vào link bên dưới): 
http://tho.com.vn/b%C3%A0i_vi%E1%BA%BFt/th%C6%A1_360/gi%E1%BB%9Bi_thi%E1%BB%87u_t%E1%BA%ADp_th%C6%A1_b%E1%BA%BFn_t%C3%ACnh_ph%E1%BA%A1m_v%C4%83n_t%E1%BA%A5t/14540

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét